Việt Nam một quốc gia thiếu ngủ

0
1196

Đầu năm nay, một nhóm học sinh phổ thông ở Sài Gòn tự làm khảo sát trên hàng nghìn bạn cùng lứa và phát hiện ra rằng 81,8% số bạn được hỏi ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày. Nguyên nhân chính là do áp lực học hành.

Góc đánh giá chia sẻ, truyền thông khi ấy mô tả rằng đó là “lời kêu cứu” vì thiếu ngủ của học sinh. Nhưng nghiên cứu rất ý nghĩa này nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Lúc mới sang Việt Nam, tôi làm quản lý một trung tâm tiếng Anh dành cho người Hàn Quốc. Học sinh Hàn Quốc học suốt ngày, rồi tiếp tục đi học tại các trung tâm tiếng Anh, toán học, văn học… rồi về làm bài tập. Tụi nhỏ chỉ ngủ từ bốn đến sáu tiếng mỗi ngày.

Tôi thấy rất bối rối và khó hiểu. Tại sao cha mẹ Hàn Quốc muốn điều tốt nhất cho con cái mình, sẵn sàng chi trả mọi giá để con được hưởng nền giáo dục tiên tiến nhất mà lại không cho tụi nhỏ ngủ đủ thời gian? Tôi thấy điều này không tốt chút nào. Hồi nhỏ ở Canada, tôi vào học lúc 9 giờ sáng và tan trường lúc 3 giờ rưỡi chiều, rồi có thể làm bài tập về nhà. Nhưng ít lắm, hầu như tôi không làm.

Và trong khi nối bước Hàn Quốc trở thành “con rồng châu Á” mới, xã hội Việt Nam cũng lại đang tạo ra tình trạng này. Năm 2016, một bác sĩ nhi khoa khẳng định 40% trẻ em Việt Nam đang thiếu ngủ do học quá nhiều. Nghiên cứu của các em học sinh phổ thông đầu năm nay còn đáng sợ hơn: cứ 5 em học sinh thì có 4 em khó tập trung trên lớp vì thiếu ngủ.

Theo hầu hết các nghiên cứu uy tín đã từng được thực hiện, mỗi ngày con người phải ngủ ít nhất là tám tiếng để não có đủ thởi gian “ôn” lại những gì đã học hôm trước.

Giáo sư thần kinh học Matthew Walker từ Viện Đại học California-Berkeley làm một thí nghiệm trên chuột, cho chúng “giải quyết” một mê cung vừa sức rồi đi ngủ. Khi quét não chuột, ông thấy nó vẫn đang cố gắng tìm lối thoát khỏi mê cung ngay trong giấc ngủ mà lại nhanh hơn gấp hai mươi lần khi thức. Quả thực, ngày hôm sau, con chuột xử lý mê cung hiệu quả hơn hôm trước từ 20% đến 30%. “Ngủ hoàn toàn là phần cần thiết nhất của việc học” – Matthew Walker kết luận.

Và ngược lại, với người, khi mình học nhiều, thiếu ngủ, não mình sẽ không giữ lại được thông tin gì. Như thế, thì cách người Hàn Quốc hay Việt Nam cho con học nhiều ngủ ít giống như khi mình muốn leo núi mà quảy thêm một số cục đá bự trong ba lô để tập sức tải.

Tôi cũng thấy một sự nhầm lẫn về vấn đề ngủ lúc làm cho một công ty lớn ở Việt Nam. Chủ tịch công ty hay uống rượu, đi ngủ rất muộn rồi lúc nào cũng thức dậy lúc bốn giờ sáng. Chắc ông nghĩ làm thế là kỷ luật, và cũng có rất nhiều người ngưỡng mộ khả năng này.

Ở nước Anh, cựu thủ tướng Margaret Thatcher, được mệnh danh là bà đầm thép, nổi tiếng vì chỉ ngủ trung bình bốn tiếng mỗi ngày.

Nhưng, nghiên cứu về người thiếu ngủ cho thấy, đối tượng này hay bị huyết áp cao, tăng cân, trầm cảm, Alzheimer, giảm lượng tế bào chịu trách nhiệm chống ung thư… Margaret Thatcher cũng bị mấy bệnh đó. Cái gì cũng có cái giá của nó.

Và về những người có suy nghĩ ngủ ít là tốt, hay thể hiện sự “lao tâm khổ tứ” cho sự nghiệp, nó không khác gì việc lái xe gắn máy ở Việt Nam mà không đội nón bảo hiểm: nó chỉ khiến cho bạn qua đời sớm hơn thôi. Người ngủ đầy đủ sống lâu hơn và chất lượng cuộc sống của họ cũng tốt hơn.

Bộ não con người theo dõi và đo đếm thời gian mà chúng ta thiếu ngủ – tạm gọi đó là “nợ ngủ”. Và rượu ngăn cản những giấc ngủ sâu và tốt nhất, để “sạc pin” cho mỗi chúng ta và xử lý bộ nhớ. Đó là lý do tại sao khi người ta ngừng uống rượu thì vài ngày sau họ lại gặp những giấc mơ kỳ lạ do những món “nợ ngủ” được trả dần.

Vào mùa xuân và mùa hè, khi một giờ giấc ngủ bị mất vì chỉnh đồng hồ (ở nhiều quốc gia theo quy ước giờ mùa hè), có sự gia tăng 24% các cơn đau tim. Vào mùa thu, khi được thêm một giờ ngủ, các cơn đau tim giảm tới 21%.

Tôi thường ngủ 8 đến 9 tiếng mỗi ngày. Thực sự mỗi sáng thức dậy tôi thấy rất vui, khỏe, rất sẵn sàng chiến đấu với một ngày mới. Một người nói với tôi: “Jesse ngủ nhiều quá! Ngủ nhiều không tốt!”.

Nhưng thực sự trong xã hội bây giờ, điều nguy hiểm không phải là ngủ nhiều mà là ngủ không đủ. Từ 12 giờ khuya tới trước rạng sáng. Đó là lúc theo đồng hồ sinh học, con người sắp bước vào giai đoạn ngủ sâu (REM), nhưng trớ trêu thay, nhiều người dân thành phố xem lúc đó mới là giờ chuẩn bị đi ngủ.

Từ hàng triệu năm nay, cơ thể con người chúng ta đều được Mẹ Thiên nhiên lập trình sẵn nhịp sinh học tương ứng với chu trình của Mặt trời. Vậy mà giờ đây ta lại tự phá vỡ nhịp đó.

Ngay lúc này, ở nhiều gia đình, việc bọn trẻ đi ngủ muộn vẫn đang được khuyến khích như một chìa khóa cho sự thành đạt.

Theo Vnexpress.