Sau công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau liên quan tới vụ hơn 300 thi thể thai nhi ở nhà máy rác trong vòng 7 năm qua, tổ công tác của UBND TP Cà Mau lập tức vào cuộc điều tra, xác minh.
Trước đó ông Tô Hoài Dân, Tổng GĐ Cty TNHH Xây dựng- Thương mại- Du lịch Công Lý (Công Lý)- chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau cho biết, xác thai nhi bỏ lẫn trong rác gây khó khăn việc xử lý, chôn cất.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau vừa cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến, đề nghị kiểm tra, xác minh, xử lý tình trạng xác thai nhi tại Nhá máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau.
Theo đó, văn bản đề nghị UBND thành phố Cà Mau chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh về tình trạng xác thai nhi bị bỏ lẫn theo lượng rác thải, tập kết về Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau.
Ông Tô Hoài Dân cho biết thêm, Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau nhiều lần có tờ trình để hỗ trợ, mở rộng diện tích, xử lý chôn cất mang tính nhân đạo.
Kể từ khi Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau, đã phát hiện hơn 300 xác thai nhi, phải chôn cất trong khuôn viên nhà máy, không còn đất trống để chôn cất.
Cty Công Lý trình UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất thai nhi, kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn, để giảm thiểu xác thai nhi theo xe rác vào Nhà máy.
Ông Nguyễn Hoàng Thám, giám đốc nhà máy, tiết lộ sau khi nhà máy sau khi đi vào hoạt động hơn 1 tuần đã phát hiện thi thể thai nhi đầu tiên.
“Khi phát hiện, công ty mua khăn, quần áo trẻ sơ sinh rồi vệ sinh thi thể sạch sẽ, sau đó quấn khăn, đặt vào quách đem đi an táng. Tính trung bình chi phí cho mỗi lần chôn cất khoảng 300.000 – 400.000 đồng” – ông Thám cho biết.
Cũng theo các tài liệu ông Thám cung cấp cho thấy Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau do Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) làm chủ đầu tư, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2012. Sau hơn 1 năm hoạt động, nhà máy đã phát hiện hơn 10 thi thể trong lúc phân loại, xử lý rác thải.
Trước tình hình đó, ngày 10/6/2013, lãnh đạo công ty đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau xin được cấp đất để chôn thi thể thai nhi khi phát hiện tại nhà máy. Sau đó, UBND tỉnh ban hành công văn khẩn giao UBND TP Cà Mau xem xét, bố trí phần đất thuộc dự án nghĩa trang thành phố để công ty sử dụng.
“Lúc trước, khi phát hiện thi thể thai nhi, đến năm 2013 đơn vị đã lường trước vấn đề quỹ đất hạn hẹp nên đã có tờ trình xin ý kiến của UBND tỉnh và UBND tỉnh đã giao lại cho UBND TP Cà Mau để thực hiện giải quyết vấn đề trên nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết” – ông Thám nói.
Ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết ông vẫn chưa nắm được công văn của UBND tỉnh về nội dung giao cho UBND TP Cà Mau về chọn vị trí giao đất cho Công ty Công Lý chôn cất các thi thể thai nhi.
“Do tôi mới nhận nhiệm vụ từ tháng 6/2018 nên chưa nắm được công văn trên. Đơn vị sẽ thành lập tổ kiểm tra, họp liên ngành và xin chủ trương của UBND tỉnh thì thành phố mới quyết được” – ông Vũ cho hay.
Theo anh Anh Lê Minh Cảnh, Tổ trưởng công nhân sản xuất tại nhà máy xử lý rác, đa số các thi thể thai nhi khi được phát hiện là từ những bọc rác có nguồn gốc từ các bệnh viện. Anh Cảnh cho biết do làm việc lâu năm ở đây nên rất dễ để phân biệt bọc nào là rác sinh hoạt, bọc nào là rác thải y tế. Nhiều năm nay, khi phát hiện thi thể các thai nhi xấu số đều từ các bọc màu đen, to, có giấy báo quấn lại.
“Xe lấy rác vẫn là xe của công trình đô thị, nhưng đặc biệt là các xe đó chuyên lấy rác từ các bệnh viện. Tôi làm lâu năm và có kinh nghiệm, đổ rác xuống nhìn bọc là đã biết rác đó ở đâu” – anh Cảnh thông tin thêm.
Ông Nguyễn Văn Dũng, quyền Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, cho biết đã đọc được nội dung tờ trình của Tổng Giám đốc Công ty Công Lý. Đọc xong, ông cảm thấy “rất bất ngờ” về con số mà Công ty Công Lý nêu ra. “Khi các thai nhi được xác nhận đã tử vong, bệnh viện sẽ bàn giao cho gia đình, hồ sơ có người nhà ký đàng hoàng. Trước mắt, sở đã rà soát, và khẳng định là các bệnh viện không có chuyện bỏ xác thai nhi theo rác thải. Còn với các phòng khám thì đã nghiêm cấm tuyệt đối rồi”.
Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết mình chưa từng nghe báo cáo về thông tin này trước đây. “Nếu phát hiện thai nhi có hình dạng, phải báo ngay cơ quan chức năng, cơ quan công an để tổ chức khám nghiệm. Điều này pháp luật đã quy định rõ. Thai nhi bị cha mẹ từ bỏ, hay bất kỳ vấn đề nào khác, cũng phải trình báo để công an xử lý. Trường hợp thai chết lưu ở bệnh viện, các bệnh viện đã có quy trình xử lý chi tiết”, đại tá Trương Ngọc Danh khẳng định.
Trưa 26/4, ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho hay sau khi có chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, sáng cùng ngày, tổ công tác đã xuống Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau để làm việc, ghi nhận vụ việc hơn 300 thi thể thai thi được phát hiện tại nhà máy này trong 7 năm qua.
“Lúc kiểm tra, nhà máy đã đào một số nơi chôn cất thai nhi cho cơ quan chức năng thấy, nhưng chưa mở nắp hũ. Bởi lẽ, tổ công tác không có thẩm quyền để mở ra vì không có chuyên môn”, ông Vũ thông tin.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Sản nhi tỉnh An Giang, thường là những ca thai lưu, sẩy thai hoặc tử vong trong bụng mẹ, người thân không mang thi thể thai nhi về nhà mà để lại luôn cho bệnh viện xử lý vì họ xem đây cũng giống như loại rác thải y tế nên cần được tiêu hủy như phần nhau thai. Tuy nhiên, ở một số nơi thì người dân còn nghĩ đến vấn đề tâm linh nên vẫn thực hiện việc chôn cất. Hiện nay, tần suất thai nhi tử vong trong bụng mẹ hay dịch vụ phá thai trong các bệnh viện công không còn nhiều, mà đa số các sản phụ thực hiện theo kiểu chui bên ngoài. Nguyên nhân là do thủ tục nhập viện còn rườm rà nên đa số thực hiện bên ngoài, rất khó kiểm soát. Nếu tính bình quân mỗi tháng khoảng 5 ca thì cả năm cũng khoảng 60 ca.
“Theo tôi nghĩ thì việc một số nơi chôn cất thai nhi bên cạnh các bãi rác như thế thì rất phản cảm vì đối xử không tốt với sinh linh không may mắn và cũng không hợp vệ sinh. Ở đây chúng tôi không đem những thai nhi đặt chung với rác để tiêu hủy mà cho 1 nhân viên đem đi chôn cất đàng hoàng ở một số nghĩa địa trong dân. Tính bình quân mỗi năm nhân viên này thực hiện việc chôn cất cho khoảng 60 ca như thế”– một lãnh đạo Bệnh viện Sản nhi An Giang cung cấp thêm.
Mời độc giả đọc thêm các tin tức xã hội khác.