Tất tần tật những điều cần biết về bệnh sởi

0
823

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây thành dịch. Tuy ít gây tử vong nhưng để lại nhiều biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cùng sống tìm hiểu những điều cần biết về bệnh sởi nhé!

1. Bệnh sởi là gì?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut sởi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và thường trội lên thành dịch vào mùa xuân.

Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm. Hiện nay nhờ có vaccin sởi được tiêm phòng rộng rãi nên tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đã giảm nhiều.

Tất tần tật những điều cần biết về bệnh sởi
Tất tần tật những điều cần biết về bệnh sởi

2. Nguyên nhân gây bệnh sởi

Thông thường, mỗi người chỉ 1 lần bị bệnh sởi, chính vì thế trẻ em từ 1- 4 tuổi rất dễ gặp phải vì lúc này hệ miễn dịch của các bé chưa hoàn chỉnh, đối với các bé dưới 6 tháng tuổi vì có hệ miễn dịch từ sữa mẹ nên khả năng mắc bệnh rất thấp, còn người lớn khi đã bị bệnh từ bé thì lớn lên thường không mắc phải căn bệnh này nữa.

  • Lây qua đường hô hấp.
  • Lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyến…
  • Lây gián tiếp ít gặp vì virus sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh.

Bệnh sởi gây ra do siêu vi sởi. Bệnh này hay lây đến nỗi 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa chích ngừa. Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân. Họ thường đã có thể lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi vết đỏ xuất hiện. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó nhưmặt bàn, điện thoại…Khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, ta sẽ bị lây bệnh. Một khi siêu vi sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơthể kể cả hệ hô hấp và da.

3. Biểu hiện của bệnh sởi

Thời kỳ ủ bệnh

Đây là thời gian kể từ lúc bị nhiễm virus sởi đến khi xuất hiện các dấu hiệu tiền triệu, kéo dài từ 8 -11 ngày sẽ không có triệu chứng gì của bệnh.

Giai đoạn tiền triệu

Thường kéo dài 3-4 ngày, khởi phát đột ngột sốt nhẹ hoặc vừa, sau sốt cao. Người bệnh sẽ có triệu chứng của viêm xuất tiết mũi, họng và mắt như chảy nước mũi, ho, viêm kết mạc mắt hoặc sưng nề mi mắt vào ngày thứ 1. Đến ngày thứ 2 sẽ xuất hiện nội ban (hạt Koplik) là các hạt nhỏ màu trắng như đầu đinh ghim, khoảng vài chục đến vài trăm nốt mọc ở phía trong miệng, ngang răng hàm. Xung quanh các hạt này thường có xung huyết và chỉ tồn tại khoảng 24-48 giờ. Đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm và chắc chắn. Đôi khi có triệu chứng sưng hạch bạch huyết.

Giai đoạn mọc ban nốt sởi

Nốt sởi mọc ngày 4 – 6 của bệnh. Vùng chân tóc sau tai là nơi nốt sởi thường xuất hiện đầu tiên, sau đó lan dần xuống mặt, ngực, tay, sau lan xuống lưng và chân. Các nốt sởi ở dạng sẩn, hơi nổi gờ trên da, kích thước nhỏ. Ban có thể mọc rải rác hoặc lan rộng, xen kẽ các ban là khoảng da lành. Nhiều người thắc mắc sởi có ngứa không, thường giai đoạn mới ít ngứa, đến khi mọc ban tình trạng ngứa sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Ngoài ra, nốt sởi có thể mọc bên trong niêm mạc đường tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Nếu nốt ban mọc ở phổi thì gây ho, viêm phế quản.

Người bệnh sẽ cảm thấy sốt cao hơn, mệt hơn khi ban bắt đầu mọc. Ban mọc đến chân các triệu chứng toàn thân sẽ giảm dần, nhiệt độ giảm dần.

Giai đoạn bay nốt sởi

Sau khoảng 6 -7 ngày mọc ban nốt sởi, các ban sẽ bay theo thứ tự đã mọc và để lại các vết thâm lốm đốm gọi là dấu hiệu “vằn da hổ” giúp chẩn đoán xác định. Bệnh nhân sẽ dần hồi phục nếu không có biến chứng, bội nhiễm.

Bệnh sởi cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh như sốt phát ban, bệnh tay chân miệng bởi nếu không biết và điều trị đúng cách, bệnh sởi có thể gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ như viêm phổi, viêm não…

4. Biến chứng của bệnh sởi

Viêm phế quản

Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kỳ mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, trên phim Xquang nhìn rõ hình ảnh phế quản bị viêm..

Viêm phế quản – phổi

Đây là biến chứng do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau khi sởi mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng. Trên phim Xquang cho thấy có nốt mờ rải rác hai phổi. Biến chứng này rất nguy hiểm và thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Viêm thanh quản

Biến chứng viêm thanh quản có thể gặp ở các giai đoạn của bệnh sởi. Biến chứng ở giai đoạn sớm, là do virut sởi: xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban, biến chứng viêm có thể mất theo nốt ban, bệnh nhân có cơn khó thở do co thắt thanh quản. Biến chứng ở giai đoạn muộn là do bội nhiễm (hay gặp do bệnh nhân sởi bị nhiễm tụ cầu, liên cầu, phế cầu…), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở, tím tái.

Viêm não – màng não – tủy cấp

Đây là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao, thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), xuất hiện vào tuần đầu của ban (ngày 3-5 của ban). Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao vọt, có thể co giật, rối loạn ý thức như: hôn mê, liệt nửa người hoặc một bên chi, liệt dây thần kinh số III, VII. Ngoài ra, bệnh nhân hay gặp hội chứng tháp – ngoại tháp, tiểu não, tiền đình…

Biến chứng của bệnh sởi
Biến chứng của bệnh sởi

Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa

Đây là biến chứng ít gặp nhưng rất khó tiên lượng và để lại bệnh cảnh nặng nề, gặp ở tuổi từ 2 – 20, xuất hiện muộn sau vài năm mắc sởi. Điều này cho thấy virut sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diễn biến của biến chứng từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân có thể tử vong trong tình trạng tăng tương lực cơ và co cứng mất não.

Viêm màng não

Một dạng biến chứng thần kinh khác của bệnh sởi là viêm màng não kiểu thanh dịch và viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.

Viêm niêm mạc miệng

Biến chứng xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh sởi là do virut sởi, thường hết cùng với ban. Biến chứng có thể xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh sởi, thường do bội nhiễm.

Cam tẩu mã

Xuất hiện muộn, do bội nhiễm một loại vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi thối.

5. Người bị bệnh sởi cần kiêng gì?

Kiêng thức ăn nhiều dầu mỡ

Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ sẽ làm cho hệ tiêu hóa hoạt động không ổn định trong suốt thời gian ủ bệnh, từ đó ảnh hưởng đến sức đề kháng của người bệnh. Do đó, người bệnh sởi cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chiên, xào có nhiều dầu mỡ và chất bảo quản.

Kiêng thực phẩm cay nóng và nhiều gia vị

Khi bị sởi, bệnh nhân nên tránh các thực phẩm nhiều gia vị và có tính cay, nóng như ớt, tiêu, hành, tỏi,…Bởi chúng có thể gây ra các phản ứng nhiệt, động huyết, tăng nổi sởi dày hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh ăn các thực phẩm đóng hộp, nướng, xông khói, đồng thời hạn chế ăn các loại bánh kẹo, socola.

Tránh các thức ăn nhiều đạm

Các thực phẩm như đậu nành, đậu tương có chứa lượng đạm cao cũng không tốt cho quá trình điều trị bệnh sởi. Nếu người bệnh có biểu hiện dị ứng với các loại thực phẩm như hải sản, pho mát, sữa,…thì cũng cần kiêng ăn để tránh ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.

Kiêng đồ uống có ga, có cồn

Những thức uống có ga, có cồn không chỉ gây mất nước mà còn khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do đó, người bệnh sởi cũng cần kiêng các thức uống này.

Kiêng tiếp xúc nhiều với ánh sáng

Người bệnh sởi thường bị đau nhức mắt và đổ ghèn nhiều. Vì thế, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với ánh sáng. Để làm điều này, người bệnh có thể ngủ ở phòng thoáng mát và có treo rèm cửa.

Khi mắc bệnh sởi, người bệnh nên kiêng những điều trên, tuy nhiên không nên thực hiện chế độ kiêng khem quá mức.

Bài viết trên của gocdanhgia đã gửi đến độc giả thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, các biến chứng và những lưu ý cần nhớ khi mắc bệnh sởi hy vọng sẽ giúp ích cho quá trình trị bệnh và bảo vệ sức khỏe của bạn nhé!