Sau cơn lũ, nhiều giáo viên ở Nghệ An mất nhà, bị lũ cuốn trôi nên phải đi thuê nhà ở tạm để có thể lên lớp dạy mỗi ngày.
Tin xã hội, cơn bão số 4 đi qua, những cơn mưa lớn ở thượng nguồn khiến mực nước sông Nậm Nơn, Nậm Mộ dâng cao gây sạt lở và ngập lụt hàng loạt nhà ở và các công trình. Kỳ Sơn là địa bàn chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ lịch sử, trong đó có nhiều trường học và nhà ở của giáo viên ở các xã Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý vẫn chưa thể khắc phục xong.
Theo thống kê, lũ chồng lũ đã khiến 2 học sinh bị cuốn trôi, 12 trường học bị ảnh hưởng, 53 giáo viên bị thiệt hại nhà cửa. Hiện tại, học sinh ở một số bản vẫn phải lội bùn, vượt suối đến trường, nhiều giáo viên buộc phải thuê nhà ở trọ để tiếp tục dạy học.
Dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về, cuốn phăng những đoạn đường còn lại, đất đá trên núi ầm ầm đổ xuống. Con đường độc đạo vào các xã vùng biên này hoàn toàn bị xóa sổ, cắt đứt đường đến trường của hàng trăm thầy cô giáo vùng biên trước thềm năm học mới. Hầu hết các thầy cô giáo này đều từ miền xuôi lên đây dạy học, có người bám trụ với nghiệp gieo chữ ở vùng biên đã hơn 10 năm trời.
Sau cơn bão số 3, chị Lương Thị Hoa, một giáo viên của Trường Tiểu học Mường Ải trú ở bản Xốp Lau đã thuê người hì hục khiêng đá kè lại ngôi nhà đã bị sạt vào đến phần móng. Một phần bờ tường công trình phụ đổ sập xuống suối. Lũ chồng lũ, hiện tại, ngôi nhà của chị vẫn chưa thể ở được bởi càng ngày sạt lở càng ăn sâu vào trong.
Tại Trường PTDTBT THCS Mỹ Lý, 6 giáo viên vẫn đang nơm nớp lo sợ khi cơn lũ đi qua. Thầy Phan Văn Giang, một người có thâm niên công tác tại trường vùng biên này gần 15 năm cho biết: Ngôi nhà này thầy cùng vợ chắt góp vay mượn mới mua được. Sau khi mua xong, thầy bỏ ra số tiền 120 triệu thuê người kè lại phía bờ sông rất chắc chắn. Nhưng ai ngờ, cơn lũ đi qua cuốn luôn xuống sông Nậm Nơn. “Bây giờ đã bước vào năm học mới, cả nhà 4 nhân khẩu chẳng còn chỗ ở phải thuê tạm nhà người dân sinh sống và dạy học” – thầy Giang tâm sự.
Cơn lũ trung tuần tháng 7 khiến con đường độc đạo nối thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn vào các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải bị hư hỏng nặng. Việc khắc phục, sửa chữa đang gấp rút được triển khai thì cơn bão số 4 ập vào gây mưa lớn và lũ xuất hiện trên sông Nậm Típ.
Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, đón học sinh, các thầy cô giáo quyết định hành quân bộ vào trường. Vai mang hành lý, giáo án, thực phẩm dự trữ, các giáo viên vượt núi cao, vượt những bãi đá, cắt rừng tới trường. Để đảm bảo an toàn, các thầy cô giáo thường đi theo từng tốp để hỗ trợ, giúp đỡ nhau.
Theo gocdanhgia, 12 năm gắn bó với công việc dạy học ở Trường Tiểu học Mường Típ 1, chứng kiến bao mùa mưa lũ đi qua nhưng cô Lê Thị Hằng (quê huyện Nam Đàn, Nghệ An) không nghĩ con đường đến trường năm nay lại gian nan và hiểm nguy đến thế.
Đi qua bản Xốp Típ – nơi mái đồi đổ ập xuống trong cơn lũ tối ngày 17/8 cuốn trôi quán tạp hóa khiến 2 người đàn ông chết và mất tích, cô Nguyễn Thị Thu Hiền (quê TP Vinh) bị vấp ngã vào vũng bùn. Vừa lồm cồm bò dậy thì nữ giáo viên này bị lăn xuống vực.
Nếu như ngày thường, họ mất tầm 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng chạy xe máy cho cung đường dài 35km này thì sau cơn lũ, phải mất 2 ngày 1 đêm kể từ khi xuất phát mới vào được điểm trường chính. Đường vào đã gian nan nhưng không biết đến bao giờ đường được sửa sang để có thể đi xe máy ra để về nhà để thăm gia đình và các con mỗi dịp cuối tuần như trước…