Không gian nhạc Pháp đánh dấu sự hợp tác văn hóa Việt – Pháp, đêm nhạc sẽ diễn ra vào 20h ngày 1/9 tại Trung tâm văn hóa Pháp.
Shostakovich bắt đầu sáng tác bản Concerto đầu tiên dành cho violin vào khoảng năm 1947-1948, nhưng mãi đến năm 1955 mới được biểu diễn.
Shostakovich là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử âm nhạc Nga. Nhiều người cho rằng, Shostakovich viết 2 loại âm nhạc, một loại đơn giản để ứng phó với sự kiểm duyệt, còn loại phức tạp để thể hiện tham vọng nghệ thuật của mình. Bản Concerto số 1 cho violin thuộc loại âm nhạc phức tạp này.
Bị mê hoặc bởi những cây đàn cổ
Thưởng thức tiếng đàn hơn 300 năm tuổi qua phần trình diễn tuyệt mỹ của một danh cầm gốc Việt, với những thách thức về kỹ thuật trong âm nhạc của Shostakovich, là cơ hội để khán thính giả có thể thưởng thức trình độ bậc thầy của tay đàn Stéphane Trần Ngọc.
Người ta nói Stéphane Trần Ngọc có một bộ sưu tập những cây đàn cổ, với giá trị rất cao. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có rất ít những nghệ sĩ có thể sở hữu đàn cổ và cũng chỉ có giới chuyên môn mới tìm được đúng cách mua đàn cổ cũng như biết giá của chúng.
Nghệ sĩ kể trước đây, kích cỡ của loại đàn này khá lớn. Ở thế kỷ 16, cây đàn viola và violin nhỏ hơn xuất hiện với những điều chỉnh về quãng tám vào thế kỷ 17. Huyền thoại Paganini là một trong những người cuối cùng đã chơi những cây đàn cổ này và giới âm nhạc coi ông như “phù thủy” âm thanh, còn công chúng thì luôn sững sờ bởi vẻ đẹp, sự ấm áp và sức mạnh của âm nhạc vang lên từ những cây đàn cổ.
Stradivarius coi những nhạc cụ được chế tác trong thế kỷ 16 và 17 là tinh hoa của âm nhạc. Stephane Trần Ngọc cũng bị mê hoặc bởi nhạc cụ cổ và là một trong số ít nghệ sĩ lựa chọn sở hữu đàn cổ, chỉ chơi với nhạc cụ của mình sở hữu và ông thường xuyên chuyển đổi giữa violin và baritone.
Sự kiện biểu diễn âm nhạc
Lần đầu tiên trên sân khấu của L’espace, Stéphane Trần Ngọc với cây vĩ cầm Francesco Gobeti (sản xuất năm 1709) sẽ đem đến không gian âm nhạc Pháp qua 4 tác phẩm của 4 nhà soạn nhạc : Claude Debussy (Sonate cung Son thứ), Maurice Ravel (Sonate số 2 cung Son trưởng), César Franck (Sonate cung La trưởng) và Camille Saint-Saëns (Etude điệu valse).
Stéphane Trần Ngọc được đánh giá là nghệ sĩ violin tài danh gốc Việt được biết đến là một trong những giảng viên violin trẻ nhất ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Lyon (Pháp). Sau đó, ông tiếp tục giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Lawrence (Mỹ) và là Trưởng khoa Dây của Trường Âm nhạc London (Anh).
Trong sự nghiệp biểu diễn của mình, ông đã đứng trên sân khấu ở hơn 30 quốc gia, tại nhiều khán phòng hòa nhạc danh tiếng như Carnegie Weill Hall, Salle Gaveau, Pleyel, Champs-Élysées, Châtelet (Paris), Suntori Hall (Tokyo)…