Chuỗi kịch vàng của Lưu Quang Vũ tại nhà hát Tuổi trẻ

0
800

Chuỗi kịch vàng này để kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà hát Tuổi trẻ đã diễn lại một số vở kịch của ông.

Kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, nhà hát Tuổi trẻ có tổ chức đợt biểu diễn các tác phẩm đặc sắc của ông đã thành danh trong các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc với tên gọi Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ.

Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ sẽ ra mắt khán giả vào các tối thứ 7 từ ngày 4/8 đến ngày 1/9/2018 với các vở diễn: Lời nói dối cuối cùng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm, Lời thề thứ 9.

Sự kiện văn hóa giải trí này sẽ mang đến cho khán giả cơ hội được thưởng thức các tác phẩm sân khấu đặc sắc được thể hiện xuyên suốt chặng đường 40 năm của nhà hát Tuổi trẻ. Đây sẽ là một không gian nghệ thuật mang đến nhiều cảm xúc đẹp, nước mắt, tiếng cười cùng những thổn thức, đồng vọng, thêm một lần nữa khẳng định tài năng và những giá trị nghệ thuật đích thực sẽ vẫn tiếp tục được trân trọng, vinh danh và tỏa sáng lấp lánh.

Chuỗi kịch vàng của Lưu Quang Vũ
Chuỗi kịch vàng của Lưu Quang Vũ

Tác phẩm Lời nói dối cuối cùng được Lưu Quang Vũ lấy cảm hứng từ những tích dân gian, với tên ban đầu là Cuội, Bờm và Lụa – các nhân vật trong vở kịch. Sau khi đọc kịch bản, bà đề xuất đổi tên thành Lời nói dối cuối cùng với ý nghĩa khái quát hơn và Lưu Quang Vũ đồng ý với điều đó.

Tác phẩm không thu vào chủ đề nào nhất định nhưng mạch truyện chính xoay quanh Cuội. Cuội là kẻ chuyên bày trò với sự tinh quái và tính cách dối trá nhưng có tài thổi sáo, làm thơ. Anh thích Lụa – một thôn nữ xinh đẹp. Công tử con Phú Ông tên Lãng đần độn, ngốc nghếch cũng mê Lụa, thường có những hành động lố lăng, kệch cỡm. Họ bày trò bằng cách mỗi lần Lãng đi gặp Lụa, Cuội đều đứng sau lưng lên tiếng hộ. Sự đánh tráo khiến chính Lụa bị phân tâm, không hiểu sao một tên công tử nhà giàu, đần độn, núp bóng Phú Ông khiến cô khinh ghét lại có những lúc tâm hồn bay bổng đến vậy.

Không chỉ trong chuyện tình cảm, Cuội với sự thông minh, tinh quái, đáng yêu nhưng cũng rất thủ đoạn đã khiến nhiều chuyện rối tung rối mù, cái danh cái thực lẫn lộn. Đến cuối vở kịch, Cuội mới nhận ra và đau khổ với chính sự dối trá của mình.Thông điệp của tác phẩm là mọi ý định dù tốt đẹp nhưng được xây dựng trên sự giả dối cũng không đem lại hạnh phúc mà phải xây dựng dựa trên lòng tin và sự chân thực.

Tác phẩm còn được đánh giá cao với lời lẽ trau chuốt, ngôn ngữ đối thoại giàu chất thơ, mang tính hình tượng, nhiều lớp nghĩa.

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một trong những tác giả để lại dấu ấn đậm nét nhất trong thi đàn và Sân khấu Việt Nam từ thập niên 80 (1980) trở lại đây.

Tên tuổi của Lưu Quang Vũ đã gắn bó với nhà hát Tuổi trẻ ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Năm 2018, nhà hát Tuổi trẻ tròn 40 năm trên hành trình mang nghệ thuật cống hiến cho khán giả (1978 – 2018), và cũng gần 40 năm đã trôi qua kể từ ngày kịch bản đầu tay Sống mãi tuổi 17 của Lưu Quang Vũ được ra mắt công chúng trên sân khấu nhà hát Tuổi trẻ.

Từ đó đến nay, những kịch bản của Lưu Quang Vũ đã lần lượt được ra đời và đưa lên sân khấu, làm dầy thêm những kịch mục biểu diễn của nhà hát Tuổi trẻ trong nhiều thập niên qua với những vở kịch như: Tin ở hoa hồng, Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời nói dối cuối cùng, Ai là thủ phạm và gần đây nhất là Hoa cúc xanh trên đầm lầy – một trong 4 vở diễn giành Huy chương vàng tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2018 – tất cả đã minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của một “thương hiệu sân khấu” đã chiếm trọn trái tim của nhiều thế hệ công chúng yêu nghệ thuật.